Header Ads

Tử Viết: "Dư dục vô ngôn!". Tử Cống viết: "Tử như bất ngôn, tắc tiểu tử hà thuật yên?". Tử viết: "Thiên hà ngôn tai! Tứ thời hành yên, bách tính sinh yên, thiên hà ngôn tai?"

(Dương Hóa)
Khổng Tử nói: “Ta thật không muốn thuyết giảng!”, Tử Cống nghe vậy hỏi: “Thầy mà không giảng chúng con biết lấy gì mà học theo”, Khổng Tử đáp lại: “Trời có nói gì đâu! Bốn mùa vận hành, muôn vật sinh sôi. Trời có nói gì đâu!”.
Tự cổ tới nay, quan hệ giữa thầy trò như quan hệ giữa cha mẹ và con cái, thầy là chuẩn mực để học trò noi theo. Tương truyền Khổng Tử có ba ngàn học trò, nổi danh trong số đó có 77 người chia thành bốn khoa: Đức hạnh, văn học, ngôn ngữ, chính trị. Tử Cống là một học trò giỏi về ngôn ngữ, ông từng bốn lần giao thiệp với người Ngô, một lần với người Tề đều chu toàn sứ mệnh. Ông muốn nghe Khổng Tử giảng giải để học tập nhưng Khổng Tử lại không muốn giảng thuyết và bảo trời không nói gì mà bốn mùa vận chuyển, muôn vật sinh sôi. Điều này có nghĩa là gì?
Kỳ thực đạo lý rất giản đơn, Khổng Tử chẳng qua chỉ muốn cho học trò của mình hiểu rằng: ''Thiên lý tất nhiên khó nói nhưng bất tất phải nói, nhân sự có thể nói nhưng bất tất phải nói''. Người học thường lạc lối trong học vấn, ít có sáng kiến và sự vận dụng linh hoạt nên “có sách không bằng không có sách”; bởi vậy học vấn quan yếu tại tự mình lãnh hội, không đợi người dẫn dắt. Đó mới là học vấn chân thực. Vũ trụ bao la là văn chương, ngửa lên cúi xuống đều là học hỏi.

''Trí tuệ chân chính nơi nào cũng có”.

_________________________________
Tri Âm Quán_Thị Trấn Chũ_Lục Ngạn_Bắc Giang
Surprised

Không có nhận xét nào