Header Ads

Ngô thường chung nhật bất thực, chung dạ bốt tẩm, dĩ tư, vô ích, bất như học dã.

                                                   (Vệ Linh Công)
Ta thường suốt ngày không ăn, suốt đêm không ngủ để suy nghĩ nhưng chẳng ích gì, chẳng bằng học vậy.
Đó là kinh nghiệm của Khổng Tử. Suốt ngày không ăn, suốt đêm không ngủ để miên man suy nghĩ nhưng kết quả chẳng mảy may có được, đó là vì chỉ đơn thuần suy nghĩ với những cái biết trong giới hạn của mình, chẳng có thêm tài liệu, dữ kiện nào khác để bổ sung khiến trí tuệ như chân tay bị bó chặt chẳng thể động cựa, như cái ốc vít siết chặt lâu ngày sinh ra gỉ sét. Như vậy hao phí tinh thần, thời gian vào sự tự biện, tự khảo, chi bằng hư tâm hướng
đến tha nhân mà học hỏi.
 
Tuân Tử viết: ''Xí nhi vọng chi, bất như đăng cao chi bác kiến dã'' (Khuyến học). Nghĩa là: ''Nhón chân lên để nhìn chi bằng leo lên lầu cao để mở rộng tầm nhìn''. Lên cao thì tầm nhìn khoáng đạt, học chính là lên cao, là chắp cho mình đôi cánh để bay lượn. Học lịch sử để lấy đó làm tấm gương soi, tìm trong sự nghiệp của những vĩ nhân nguồn trợ giúp, những thành tựu của người xưa giúp kiến tạo cho ngày hôm nay. Quan sát ngôn ngữ, cử chỉ, hành vi của người khác để làm kinh nhiệm cho mình, đó cũng là học vậy.
Đương nhiên lời của Khổng Tử cũng hàm ý cho rằng người học mà không chịu động não thì chẳng khác nào người không học. Ông nói: “Học nhi bất tư tắc võng, tư nhi bất học tắc đãi'' (Vi chính)(Học mà không suy tư thì như mắc vào lưới, suy tư mà không học thì như đi vào
đường cùng). Vậy học và suy tư cả hai cùng đồng hành không được thiên lệch; nếu thiên lệch là ta tự mình chuốc lấy tai họa vậy.
 

“Ta cao hơn người chẳng qua là ta đứng trên vai của người cao lớn”.

_________________________________
Tri Âm Quán

Không có nhận xét nào