Header Ads

Cổ chi học giả vị kỷ, kim chi học giả vị nhân

Người xưa học là do tự mình muốn có tri thức, đức hạnh, người nay học là do muốn người khác đem lại cho mình công danh lợi lộc.
Người xưa thường nói: ''Trong sách có ngàn hộc lúa, trong sách có nhà vàng, trong sách có người đẹp như ngọc'', để nói về cái thú đọc sách, ngụ ý rằng trong sách bao gồm tất cả sự giàu có và lạc thú ở đời. 

Đó là một lối nói ví von chứ không phải đọc sách để tìm kiếm
giàu sang và lạc thú.

Người xưa lại nói: “Vạn ban giai hạ phẩm, duy hữu độc thư cao” (Mọi thứ đều thấp kém, chỉ có đọc sách là thanh cao). 

Do đó, có không ít người suốt đời dành hết tâm lực đọc sách để tìm cái cao danh. ''Thập niên hàn song vô nhân vấn, nhất cử thành danh thiên hạ tri'' (Mười năm đọc sách trong cảnh nghèo không ai nói tới, chỉ một phút thành danh thiên hạ đều biết), chuyện đó ngày nay vẫn còn tiếp diễn. 

Ngày xưa các nhà nho mong được thành danh là tạm gác việc đọc sách để ra gánh vác việc đời. Nhưng nếu như chẳng qua chỉ là ''Danh lạc Tôn Sơn" (ý nói thi rớt chẳng được bổ dụng), thì làm sao an ủi được nỗi lòng đau đớn vì chẳng được dự vào hàng ''Nho lâm ngoại sử''? 

Nhiều vị ký thác tâm tình vào sơn thủy, bốn phương phiêu lãng, tìm thú vui trong sách vở, tự mình cầu lấy sự học vấn. 

Như thế, trong bước đường cùng lại tìm được nguồn vui sống, mất đi cái cơ hội được kinh bang tế thế nhưng lại đạt được cái nội tâm tự thích tự tại.


Mục đích học vấn vì người hay vì mình tùy tâm niệm mỗi người nhưng căn bản là lấy cái học làm gốc để có thể làm việc và xử sự tốt, như thế đã là thành công rồi.

“Con người có thể bán đi sinh lực mình nhưng không thể bán đi linh hồn”.




(Hiến Vấn)




Không có nhận xét nào