Header Ads

Tri chi vi tri chi, bất tri vi bất tri, thị tri dã

Biết thì nhận là biết, không biết thì nhận là không biết. Đó là biết vậy!
“Không tự biết mình non lạng non cân là chẳng biết tự tri sáng suốt, vậy mà vẫn tưởng...''. Người không tự biết thực lực của mình thì nhất định không thành công, ít nhất ta cũng phải biết sáng suốt nhận định về mình để tránh sự mỉa mai của người đời. 

Phải biết được chỗ non yếu của mình để trước tiên lo bổ sung cho đầy đủ rồi mới khởi sự, có thế mới hy vọng được thăng tiến.

Cầu tri là cùng nhau học hỏi, vì biển học vô bờ, ta chớ nên khoe khoang, điều ta chưa biết quá nhiều, quá rộng và còn có nhiều điều nhân loại chưa thể khám phá được. 

Vì thế ta dùng cái tâm thuần phác để thâu thái, cần mẫn học tập tựa như múc nước dưới giếng lên vậy, không nôn nóng lo lắng để lòng được thư thái, bình thản.

Bạn hãy xem, bông lúa càng chắc hạt càng trĩu thấp xuống, con người có học thức uyên bác lại càng phải lấy hư tâm để đối đãi với người, những điều vinh dự nhường lại cho bạn bè, còn bản thân mình giữ sự khiêm tốn. 

Dù đã đạt được một trình độ nhất định, ta cũng nên khiêm nhường, vì còn cần học hỏi ở nhiều người, ta nên lấy sự khiêm tốn đối đãi với mọi người, không nhân sự thua kém của người mà làm tổn hại đến lòng tự trọng của họ. 

Hãy lấy sự chân thành đối đãi với mọi người, không có chút giả tạo, như thế mới là tri đạo.
Ngoài việc “Tự tri chi minh”, ta nên luyện cho mình sự khiêm tốn, tự bồi đắp, tự sung thực, như bông lúa ngày càng no hạt càng trĩu xuống.

“Càng học ta càng thấy mình vô tri”.



(Vi Chính)

Không có nhận xét nào